Có được thay đổi thỏa thuận tại vi bằng?

Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập để ghi nhận sự kiện, hành vi và có giá trị chứng cứ để tòa xem xét khi giải quyết vụ án.

Tuy nhiên trong phiên xử mới đây, TAND TP.HCM đã phải tạm hoãn phiên tòa để xem xét một số vấn đề liên quan bởi đương sự thay đổi ý kiến so với thỏa thuận tại vi bằng.

Thay đổi thỏa thuận

Căn nhà số 516 Võ Văn Kiệt (Q.1, TP.HCM) là tài sản của ông Nguyễn Thượng Hải và bà Nguyễn Thị Kim Sa để lại. Ông bà có bốn người con chung.

Sau khi ông Hải qua đời, vợ và một người con trai của ông đã làm đơn tặng lại toàn bộ phần thừa kế của mình đối với căn nhà trên cho ba người con gồm: ông Nguyễn Thanh Hải, bà Nguyễn Thúy Phượng và bà Nguyễn Thúy Mến. Sau đó, căn nhà được cập nhật sang tên cho ba người nêu trên.
Tháng 8-2014, bà Phượng, ông Thanh Hải và bà Mến đến Văn phòng thừa phát lại Q.1 để lập vi bằng “văn bản thỏa thuận phân chia tài sản”. Theo văn bản này, ba người thống nhất sẽ bán căn nhà 516 Võ Văn Kiệt, số tiền thu được chia cho ông Hải 45% giá trị căn nhà, bà Phượng và bà Mến mỗi người nhận 27,5%.

Do không thống nhất được giá bán nhà nên ba người này làm đơn gửi đến TAND Q.1 đề nghị tòa ấn định giá bán nhà, phân chia lại tỉ lệ sở hữu cho từng cá nhân. Sau đó, bà Mến nộp đơn khởi kiện ông Hải để yêu cầu chia lại tài sản chung là căn nhà số 516 Võ Văn Kiệt.

Xử sơ thẩm tháng 9-2016, TAND Q.1 nhận định nguyên đơn, bị đơn đã tự nguyện ký vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản mà không bị ai ép buộc. Vi bằng ghi nhận sự thỏa thuận này được lập theo đúng trình tự thủ tục.

Cấp sơ thẩm đã tuyên giao cho cơ quan thi hành án dân sự tiến hành bán đấu nhà số 516 Võ Văn Kiệt. Số tiền thu được sau khi trừ đi các chi phí liên quan sẽ chia theo tỉ lệ trên.

Sau bản án sơ thẩm, ông Hải kháng cáo. Tại phiên xét xử phúc thẩm vừa được TAND TP.HCM mở mới đây, đại diện ủy quyền của ông Hải đề nghị tòa tuyên hủy giá trị pháp lý của vi bằng. Lý do vì ông Hải được mẹ tặng cho một nửa giá trị căn nhà số 516 Võ Văn Kiệt. Cộng với thừa kế nhận được từ cha và anh trai, ông Hải sẽ được nhận 66,6% giá trị căn nhà.

Tuy nhiên do không hiểu biết về quyền lợi của mình nên ông đã lập vi bằng thỏa thuận chỉ nhận 45%. Việc làm này gây thiệt thòi cho ông, vì vậy ông không đồng ý tuân thủ theo thỏa thuận trước đây.

Phản bác lại ý kiến nêu trên, luật sư của bà Mến cho rằng vi bằng do thừa phát lại Q.1 lập hợp pháp, đã được đăng ký tại Sở Tư pháp. Hơn nữa, trong trường hợp này thừa phát lại không chia tài sản mà chỉ lập vi bằng làm chứng cứ thể hiện rõ ý chí của các bên.

Hội đồng xét xử đã quyết định tạm hoãn phiên tòa và cho biết sẽ gửi công văn xin ý kiến một số cơ quan có thẩm quyền liên quan đến hiệu lực của vi bằng trong vụ án.

Đã thỏa thuận thì cần thực hiện?

Ông Đoàn Tiến Hưng (nguyên trưởng Văn phòng thừa phát lại Q.1) cho rằng việc xem thừa phát lại không có chức năng phân chia tài sản là hiểu sai chức năng của thừa phát lại. Theo ông Hưng, thừa phát lại chỉ đóng vai trò chứng kiến và ghi nhận sự thỏa thuận phân chia tài sản giữa các bên. Nếu việc thỏa thuận này không trái luật thì sẽ được tòa xem xét.

Còn ông Nguyễn Văn Lạng (trưởng Văn phòng thừa phát lại Q.Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết trong vụ án này, vi bằng được coi là chứng cứ. Tuy vậy, việc sử dụng chứng cứ đó như thế nào là quyền của thẩm phán đang giải quyết vụ việc.

Khi sử dụng chứng cứ, tòa sẽ xem xét việc thừa phát lại lập vi bằng đó có đúng trình tự thủ tục, khách quan hay không; việc thỏa thuận của ông Hải có phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội hay không.

Nếu tòa xử theo pháp luật về thừa kế (ông Hải được hưởng 66,6% giá trị căn nhà) thì tòa buộc phải xem xét, chỉ ra những căn cứ để không công nhận thỏa thuận của ông Hải được ghi nhận tại vi bằng.

Đồng tình với ông Lạng, ông Đoàn Tiến Hưng cho biết nếu sau thời điểm lập vi bằng, các bên không có thỏa thuận mới thì thỏa thuận được ghi nhận tại vi bằng phải được thực hiện. “Bộ luật dân sự quy định đảm bảo nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận.

Trong trường hợp này, mong muốn của ông Hải là được chia 66,6% giá trị căn nhà, nhưng nếu hai người còn lại không đồng ý thì cần tuân thủ thỏa thuận cũ” – ông Hưng cho biết.

Cũng theo ông Đoàn Tiến Hưng, trước khi lập vi bằng, căn nhà số 516 Võ Văn Kiệt đã được cập nhật đứng tên ba người này, sau đó mới thỏa thuận phân chia là đúng luật. Thừa phát lại đã ghi nhận việc thỏa thuận là hoàn toàn tự nguyện, khách quan. Do đó trong vụ án này, vi bằng có giá trị là chứng cứ.

Thay đổi thỏa thuận, phải lập văn bản

Trong trường hợp các bên đã lập vi bằng ghi nhận sự thỏa thuận mà sau đó muốn có thỏa thuận mới thì đương sự yêu cầu văn phòng thừa phát lại đã lập vi bằng làm thủ tục hủy vi bằng trước đó, lập lại vi bằng mới.

Nếu không thống nhất được, đương sự yêu cầu tòa án xem xét việc hủy vi bằng. Nếu thấy việc lập vi bằng không khách quan hoặc việc thỏa thuận là trái pháp luật, gây thiệt hại cho bản thân đương sự thì tòa án sẽ xem xét.